Được đăng bởi: Rin Nguyễn -
Chắc hẳn các bạn đã từng theo dõi một giải đấu rubik, cũng biết được là cách tính điểm là tính trung bình. Sau đó các bạn tự tính kết quả nhưng chợt nhận ra nó không chính xác. Tại sao lại như vậy? Đó là vì hệ thống tính điểm trung bình của Hiệp hội rubik thế giới (WCA) áp dụng trong cuộc thi của họ khác với “trung bình thông thường”. Vậy cách tính điểm như nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Ao5 (Average of 5):
Đây là phương thức tính điểm phổ biến nhất áp dụng cho môn được thi 5 lượt, bao gồm: 2x2 đến 5x5, Pyraminx, Skewb, Square-1, 3x3 1 tay, Clock. Điểm chung của những môn này là thời gian giải ngắn (thường dưới một phút). Cách tính điểm là thí sinh sẽ được thi 5 lượt, trong đó lượt giải tốt nhất và tệ nhất không được tính, chúng ta chỉ tính trung bình 3 lượt giải còn lại, nếu trung bình bằng nhau sẽ xét đến thành tích tốt nhất.
Speedcubing là bộ môn mà yếu tố may mắn, xui xẻo diễn ra rất thường xuyên. Chính vì vậy việc áp dụng hệ thống tính điểm này sẽ giảm đáng kể yếu tố ngoại lai trong kết quả đồng thời phản ánh chính xác trình độ của thí sinh. Có thể hiểu là bạn bị một lần DNF cũng chẳng sao vì bạn vẫn có cơ hội làm lại, hay bạn có một kết quả tốt vẫn chưa nắm chắc chức vô địch.
2. Mo3 (Mean of 3):
Khác với Ao5, Mo3 khắc nghiệt hơn khi thí sinh chỉ được thi 3 lượt và kết quả sẽ là trung bình của 3 lượt giải, nếu trung bình bằng nhau xét đến thành tích tốt nhất. Phương thức tính điểm này được sử dụng cho 6x6, 7x7 và 3x3 tối ưu. Do tính trung bình cả 3 lượt mà không loại bỏ kết quả tốt nhất và tệ nhất nên chỉ cần một sai lầm nhỏ có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Lý do 6x6, 7x7 áp dụng Mo3 là vì thời gian để giải hai khối này và thời gian chuẩn bị đề cho chúng rất lâu (có thể lên đến 2 phút). Đối với 6x6 những tuyển thủ giỏi nhất phải mất đến “1 phút 20 giây”, thời gian giải 7x7 thậm chí còn lâu hơn cụ thể là khoảng “1 phút 50 giây”. Vậy nên áp dụng Mo3 cho 6x6, 7x7 có thể giúp thí sinh và ban tổ chức không mệt mỏi khi thi đấu và vận hành giải đấu.
Phần thi 3x3 tối ưu yêu cầu thí sinh phải tìm ra bước giải ngắn nhất trong 1 tiếng đồng hồ đối với một lượt giải, đồng nghĩa với việc hoàn thành cuộc thi trong 3 tiếng. Phương thức thi của môn này giống như đang làm “bài thi đại học” khi nó có cả việc điền tên, số báo danh và cuối cùng là phần bài làm. Để hoàn thành phần thi FMC – giải rubik tối ưu – giống như bạn phải làm 3 bài thi đại học. Vậy nên phần thi này được quyền thay đổi cách tính điểm dựa theo nguyện vọng và trình độ của thí sinh. Ví dụ như tại Vietnam Championship 2023 phần thi FMC chỉ thi 1 lượt, World Championship 2023 phần thi FMC được thi 3 lượt.
3. Bo3 (Best of 3):
Tính điểm theo phương thức này đơn giản hơn rất nhiều so với Ao5 và Mo3 vì chỉ cần thành tích tốt nhất trong 3 lượt giải, nếu thành tích tốt nhất bằng nhau sẽ xét đến trung bình 3 lượt. Áp dụng nó thì bạn có bị DNF hai lần, sau đó phá kỷ lục thế giới là bạn chắc chắn vô địch. Tuy nhiên, tính điểm kiểu này quá dễ dãi khi áp dụng cho các môn thi vừa được nêu ở trên, nó chỉ được áp dụng cho nội dung bịt mắt 3x3, bịt mắt 4x4 và bịt mắt 5x5. Bởi vì đây là nội dung khó, tỷ lệ dính DNF rất cao bằng chứng là phần thi bịt mắt 5x5 ở Vietnam Championship 2024 không có thí sinh Việt Nam nào thành công, vậy nên chức vô địch phải bỏ ngỏ.
Các bạn đừng vội bình luận không hay như “Việt Nam chỉ chơi được đến thế thôi, thế giới họ chơi được hết”. Thì sau đây là kết quả giải vô địch thế giới 2023 môn bịt mắt 5x5.
Ngay cả nhà vô địch Hill Pong Yong Feng trước khi phá kỷ lục thế giới 2:18.78 giây cũng không thể giải thành công trong lượt đầu tiên. Nếu các bạn vẫn cho rằng bịt mắt 5x5 khó hơn bịt mắt 3x3 thì kết quả sau đây cũng khiến các bạn phải nhìn nhận lại.
Trong top 10 giải vô địch thế giới 2023, nội dung bịt mắt dễ nhất là bịt mắt 3x3 chỉ có nhà vô địch thế giới Tommy Cherry và Yifan Wang thành công trong cả 3 lượt giải, đến cả á quân Philip Maxwell dù đã phá kỷ lục Châu Á cũng chỉ thành công 2/3 lượt giải. Chỉ hai hình ảnh đã cho thấy nội dung bịt mắt khó đến mức đủ để làm những tuyển thủ đẳng cấp thế giới mắc sai lầm. Chứng minh rằng, việc áp dụng Best of 3 cho nội dung bịt mắt là hợp lí.
4. Cách tính điểm đặc biệt cho nội dung bịt mắt nhiều 3x3:
Đây là nội dung rất phức tạp, trong 1 tiếng thí sinh phải vừa ghi nhớ, vừa hoàn tất số rubik đã được đăng ký. Do số lượng rubik được đăng ký tối thiểu là 2 và tối đa không giới hạn nên không thể sử dụng thời gian để xếp hạng mà sẽ tính điểm dựa trên số lượng khối rubik được giải thành công, nếu bằng điểm sẽ xét đến thời gian. Cách tính điểm như sau:
Điểm số = Số rubik giải được – (số rubik đăng ký – số rubik giải được)
Ví dụ: nếu bạn đăng ký 10 khối và giải được đúng 10 khối điểm của bạn là:
10 – (10 – 10) = 10
Nếu bạn đăng ký 10 khối và chỉ giải được 9 khối thì điểm của bạn là:
9 – (10 – 9) = 8
WCA không công bố lí do chọn cách tính điểm này. Theo góc nhìn của mình, tính điểm theo cách này ưu tiên độ chính xác, đảm bảo thí sinh phải cân nhắc trong từng quyết định của mình.
Dựa trên hình, Walker Welch đăng ký 14 khối rubik và giải được 8 khối (2 điểm), Kacper Pawel Dworak đăng ký 17 khối và giải được 8 khối (1 điểm). Nếu chỉ tính điểm dựa trên số khối giải đúng mà không trừ điểm cho những khối không giải đúng, Kacper chỉ cần đăng ký số rubik nhiều hơn đối thủ là có thể thắng vì Walker không thể có số điểm cao hơn 14, trong khi anh có thể đạt 17 điểm. Tính điểm theo cách này đã bỏ qua sự chính xác trong kết quả, cũng không phản ánh được trình độ của thí sinh. Trừ điểm cho những khối giải không đúng là một hình phạt cho việc vài thí sinh cố tình “ăn gian” đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.
Hệ thống tính điểm được Hiệp hội rubik thế giới (WCA) thay đổi, phát triển trong 25 năm qua. Sử dụng hệ thống này nhằm xác định chính xác trình độ của một thí sinh, tăng sự cạnh tranh trong giải đấu. Vì vậy, nếu bạn là người đam mê bộ môn speedcubing và muốn theo đuổi nó thì hãy ghi nhớ hệ thống này để có thể luyện tập đúng đắn hơn nhé.
thật bổ x